Chia Sẻ Lời Chúa số 003

 (Lc 9, 18 – 22) ĐẤNG KI TÔ CỦA THIÊN CHÚA Trong bầu khí thân thương giữa thầy trò với nhau, Đức Giê-su đã hàn huyên tâm sự với các môn đệ. Ngài thăm dò các ông xem dân chúng nói Ngài là ai? Kết quả là có nhiều ý kiến khác nhau. Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ thì cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Tất cả dư luận trên đều chưa chính xác. Đức Giê-su mới hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Giờ thì không còn nghe ai nói nữa mà Đức Giê-su muốn nghe các môn đệ đưa ra câu trả lời của mình. Phê-rô lại nhanh nhảu đưa ra câu trả lời trước tiên: Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Một câu trả lời rất chính xác thế nhưng Đức Giê-su lại nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. Có lẽ vì Đức Giê-su biết rằng lúc này đây Phê-rô, các môn đệ và cả chúng ta chưa thể hiểu đúng về sứ mạng Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Có chăng tất cả chúng ta chỉ hiểu, chỉ nhìn Đấng Ki-tô của Thiên Chúa theo suy nghĩ, quan niệm của con người. Đấng Ki-tô ấy như là một người đánh đông, dẹp tây, giải phóng họ khỏi ách nô lệ của các đế quốc đang xâm chiếm, làm nhiều phép lạ, ban của ăn dư đầy cho họ. Những quan niệm ấy thật không phù hợp với vai trò Đấng Ki-tô của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su. Còn đối với mỗi người chúng ta, Đức Giê-su là ai? Mỗi người hãy tự đưa ra câu trả lời của bản thân mình tùy vào mối tương quan của chúng ta đối với Đức Giê-su. Có thể Đức Giê-su là một người bạn thân mà chúng ta dám tâm sự và thổ lộ tất cả tâm tư nỗi lòng. Hay Ngài là một người thầy luôn dạy và nêu gương cho chúng ta về nhiều bài học trong cuộc sống. Hoặc Đức Giê-su là một bác sĩ Ngài hướng dẫn, chăm sóc và cứu chữa hồn xác chúng ta. Trên tất cả và đặc biệt hơn hết Ngài chính là Đấng Cứu Độ đã đến thế gian này, sống với con người, chia sẻ phận người với chúng ta và đã chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa. Mong sao chúng ta hiểu được tình yêu mà Đức Giê-su dành cho chúng ta để chúng ta can đảm tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa. Nhờ đó, chúng ta biết kết hợp mọi khó khăn, thử thách của mình với mầu nhiệm thương khó và cái chết của Đức Giê-su.