Chia Sẻ Lời Chúa số 047

Tình yêu không hủy bỏ cái tốt của người khác nhưng kiện toàn và làm cho nó tốt hơn không bởi thay đổi vẻ bề ngoài nhưng là cái bên trong
Chúa Giê-su đến, như Người tuyên bố, không phải để hủy bỏ nhưng kiện toàn luật Mô-sê. Luật Mô-sê cũng dạy con người yêu Chúa hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Luật cũng dạy hãy yêu người thân cận. Tuy nhiên, hai giới răn này lại đặt ở những nơi khác nhau trong bộ luật: yêu Chúa (Dnl 6, 6) và yêu người thân cận (Lv 19, 18) khiến nhiều người, thậm chí ngay cả những người có hiểu biết cũng cảm thấy bối rối không biết đâu là điều luật quan trong nhất. Câu hỏi của vị kinh sư “Thưa Thầy trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hành đầu?” nhấn mạnh tới một điều đứng hàng đầu và như thế, những giới răn khác sẽ xếp hàng thứ yếu. Chúa Giê-su lại trả lời hai điều răn “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực người”; còn điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các giới răn đó. Như thế, Chúa liên kết hai giới răn lại trong một mối liên hệ không thể chia lìa. Không thể chu toàn điều này mà bỏ điều kia và ngược lại, không thể yêu người thực sự nếu chúng ta không yêu Chúa “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.”
               
Không chỉ trên phương diện lý thuyết, mà căn bản và cốt lõi, Người còn kiện toàn trên bình diện thực hành. Người làm cho luật trở nên tuyệt vời hơn, mang lại niềm vui và hạnh phúc hơn nhờ được linh động bởi tình yêu. Luật Mô-sê ví quá chú trọng tới luật mà không quan tâm tới đối tượng luật chi phối, đó là những con người sống trong những hoàn cảnh khác nhau. Thiếu sự hiểu biết này, người thực thi lề luật thành kẻ nệ luật, khiến việc thực hành luật của mình nhiều khi trở nên vô tâm, bất nhân. Tin Mừng cho chúng ta thấy các kinh sư và biệt phái nhân danh việc tuân giữ luật Sabbat để ngăn cản hay kết án việc Chúa chữa bênh, trừ quỷ…cho những người anh em của họ đang chịu đau khổ vì bệnh hoạn tật nguyền thay vì tìm cách giúp đỡ Chúa.
Luật và việc thực hành luật mà không có lòng nhân thì nó chỉ tạo nên chiếc khung nô lệ hóa con người. Kẻ thi hành luật mà không có tình yêu sẽ trở thành một con rô-bốt không hơn không kém. Chúng ta thấy rõ điều này trong không ít những người thi hành luật chống dịch nơi các chốt chặn. Họ không quan tâm tới dân vùng dịch đói khổ, thiếu thốn mà chỉ biết luật không cho phép.

Chúa Giê-su làm cho luật sáng lên vẻ đẹp của sự hài hòa trong các mối liên hệ với Chúa, tha nhân và thậm chí với chính mình nhờ tình yêu. Người tuyên bố “Luật được làm ra vì con người chứ không phải con người được làm ra vì luât.” Thiên Chúa, vì muốn con người được chia sẻ hạnh phúc của mình, nên đã dựng nên và cứu thoát con người từ tình yêu, với tình yêu và hướng đến tình yêu. Chính từ tình yêu con người được tạo thành, chính với tình yêu con người liên kết với nhau thành một cộng đoàn hạnh phúc; và hướng đến một tình yêu hoàn hảo nên một. Thánh Augustino nói “hạnh phúc lớn nhất của con người chính là yêu, say mê yêu và được yêu.” Bởi đó, không phải lề luật mà tình yêu mới làm cho con người hạnh phúc. Nếu có một luật nào mang lại hạnh phúc luật ấy phải đươc linh động bởi tình yêu, luật ấy chính là luật tình yêu được Chúa công bố: Thầy truyền lại cho chúng con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy. Một tình yêu mang khuôn mẫu, hơi thở, sự sống, sức mạnh và mức độ của tình yêu Chúa

 Tóm lại, luật là chiếc khung tạo nên một không gian trật tự, nhưng nếu không có tình yêu không gian ấy vô hồn, cằn khô sỏi đá và cuối cùng giết chết những gì trong đó. Nhờ tình yêu, không gian trật tự ấy trở thành một không gian sự sống nơi đó con người được hạnh phúc. Không gian tràn đầy tình yêu và sự sống ấy chính là gia đình Thiên Chúa, là vương quốc Thiên Chúa. Chúa Giê-su muốn con người vươn lên vượt qua những giới hạn của lề luật để đạt tới tình yêu này. Với thầy thông luật, niềm tin vào sự sống lại mà người Xa-đôc chống lại, trong khi người Biệt Phái tin theo, đã được Đức Giê-su giải quyết. Cái hay của Chúa Giê-su là người không đứng về Xa-đốc hay biệt phái nhưng đứng về chân lý và làm cho chân lý được rạng ngời (veritatis splendor). Không chỉ có thể, cuộc đối thoại với Chúa Giê-su sau đó, đưa ông đến một cái nhìn mới về Chúa Giê-su, nhờ đó, ông được vươn tới một chân trời mới của chân lý